Số 09 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội
Ngày 26 tháng 2 năm 2020, khoa Ngoại Tiết niệu tiếp nhận môt trường hợp nam thanh niên 22 tuổi đến khám với triệu chứng bìu sưng to. Sau khi thăm khám các bác sĩ đã nhận định đây là Hội chứng hoại thư Fournier hiếm gặp. Hội chứng này được đặt tên theo Jean Alfred Fournier, một bác sĩ hoa liễu người Pháp là người đầu tiên mô tả bệnh này vào năm 1883.
Bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện sưng, đau, căng tức bìu cách nhập viện 07 ngày. Cho rằng chỉ là viêm nhiễm thông thường, bệnh nhân đã tự ra hiệu thuốc mua thuốc kháng sinh, chống viêm (không rõ tên thuốc) về uống. Nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm mà có biểu hiện nặng lên. Sáng 26 tháng 2 bệnh nhân đã đến khám tại Phòng khám Tiết niệu – Nam khoa Bệnh viện 19-8.
Hoại thư Fournier là một bệnh lý hiếm gặp như hết sức nguy hiểm
Tại đây các bác sĩ khoa Ngoại tiết niệu Bệnh viện 19-8 đã khám và nhận định đây là một trường hợp Hội chứng hoại thư Fournier hiếm gặp trong các bệnh lý tiết niệu nam khoa. Cụ thể:
“Bệnh nhân có tình trạng nhiễm khuẩn toàn thân, bìu sưng to, căng tức, có mùi rất khó chịu. Khi sờ vào bề mặt có tiếng lép bép ở bên trong bìu. Đây chính là biểu hiện lâm sàng của hoại thư Fournier. Tôi chỉ định cho bệnh nhân chụp Cộng hưởng từ (MRI) cho kết quả: tụ dịch và khí dưới da vùng bìu hai bên, tầng sinh môn và mông.” – Thạc sĩ, bác sĩ Trần Hoài Nam, người khám và tiếp nhận bệnh nhân tại phòng khám cho biết.
Bệnh nhân được chuyển lên khoa Ngoại tiết niệu, và được chỉ định mổ cấp cứu cắt lọc tổ chức hoại tử.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Thành, phẫu thuật viên chính cho biết: “Bệnh nhân đã được mở rộng vết thương, cắt bỏ sạch toàn bộ tổ chức hoại tử da và tổ chức dưới da cho tới các tổ chức lành. Ekip phẫu thuật đã dẫn lưu ra khoảng 500ml dịch mủ có mùi hôi thối đem đi nuôi cấy vi khuẩn. Với trường hợp này, phẫu thuật cắt lọc sạch là điều kiện tiên quyết để lành vết thương và có thể giữ được chức năng của bìu và tinh hoàn sau này. Ngoài ra còn cần sử dụng phối hợp nhiều loại kháng sinh, do trong bệnh hoại thư Fournier có sự hiện diện của cả vi khuẩn yếm khí và ái khí.”
Bác sĩ Nguyễn Trần Thành, phẫu thuật viên chính cho bệnh nhân
Sau cuộc phẫu thuật, vết thương của bệnh nhân được để hở. Bệnh nhân được thay băng và chăm sóc làm sạch vết thương trong 7 ngày tại khoa Ngoại tiết niệu. Sau 7 ngày, nhận thấy tình trạng vết thương đã tiến triển tốt, bệnh nhân được phẫu thuật khâu da thì 2.
Sau 3 ngày từ cuộc phẫu thuật khâu da thì 2, tình trạng bệnh nhân đã ổn định, đi lại bình thường. Bệnh nhân đã được xuất viện trong niềm hân hoan của gia đình cũng như các y bác sĩ đã chăm sóc hàng ngày cho vết thương nguy hiểm mà hiếm gặp này.
Thạc sĩ, bác sĩ Mai Tiến Dũng, phó trưởng khoa Ngoại tiết niệu Bệnh viện 19-8 cho biết: “Hoại thư Fournier là một bệnh lý nguy hiểm và cũng rất hiếm gặp, rất dễ bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm với bệnh lý viêm tinh hoàn, mào tinh hoàn, đặc biệt là ở giai đoạn đầu khi các triệu chứng còn chưa rầm rộ và ổ hoại tử còn chưa lan rộng. Bệnh nhân đã rất may mắn vì đến khám bệnh kịp thời tại Khoa Ngoại tiết niệu Bệnh viện 19-8, được phẫu thuật nhanh chóng bảo tồn được cả 2 tinh hoàn. Việc nhận định nhanh chóng và xử trí chính xác một trường hợp bệnh hiếm gặp cho thấy trình độ của các bác sĩ Khoa Ngoại tiết niệu Bệnh viện 19-8 ngày càng được hoàn thiện và nâng cao.”
_ BS Trần Hoài Nam_